ThanhTab

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Phải thay đổi thực trạng đào tạo y khoa VN

       BS TĂNG HÀ NAM ANH (giảng viên ĐH Y dược TP.HCM)
TTCT - Thời gian gần đây, báo chí liên tiếp đưa tin các trường hợp chẩn đoán và điều trị sai ở khắp nơi trong cả nước. Dẫu biết rằng bác sĩ cũng là con người và do vậy cũng có thể phạm sai lầm, nhưng cũng không khỏi giật mình khi nhìn lại quá trình đào tạo bác sĩ ở Việt Nam.

Đào tạo y khoa ở ta có thể tóm tắt như sau: sinh viên y khoa học sáu năm để tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tổng quát, một số vượt qua kỳ thi nội trú để tiếp tục học ba năm nội trú bệnh viện về một chuyên ngành nào đó và khi tốt nghiệp có bằng nội trú hay chuyên khoa cấp 1 hệ nội trú. Phần lớn còn lại sẽ xin vào các bệnh viện hoặc trạm y tế để làm một thời gian, sau đó tiếp tục học hoặc chuyên khoa cấp 1 rồi cấp 2 hay học thạc sĩ rồi tiến sĩ.
Hệ thống đào tạo như thế tỏ ra có lợi thế trong việc nâng cao số bác sĩ trên tổng số dân để nhằm mục tiêu thực hiện các trạm y tế đều có bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay khi mà khối lượng kiến thức về bệnh tật tăng nhanh như vũ bão, các chuyên ngành y khoa được chia ngày càng nhỏ, càng chuyên sâu thì cách đào tạo như trên tỏ ra không hiệu quả.
Hơn nữa, sau một thời gian làm việc lại bắt đầu đi học trở lại dưới áp lực cuộc sống gia đình, công việc, phòng mạch... người học viên gần như không thể tập trung hoàn toàn tâm ý vào việc học, chưa kể những người cần hợp thức hóa vị trí của mình bằng những tấm bằng chuyên khoa.
Chương trình lại chia nhỏ một phần học ở chuyên khoa 1, một phần sẽ được học tiếp ở chuyên khoa 2, nhưng khi đối mặt với bệnh tật, bệnh nhân, người bác sĩ không thể nói rằng tôi chỉ mới học một nửa nên tôi chỉ điều trị một nửa, phần còn lại ông bà chờ thời gian sau. Chưa kể đến sự bất hợp lý trong chương trình đào tạo sau đại học y khoa: các bác sĩ chỉ có buổi sáng tiếp xúc với bệnh nhân, buổi chiều phải ngồi chép bài giảng.
Điều này đặc biệt khó khăn cho đào tạo ngoại khoa vì việc khám bệnh nhân và mổ xẻ gần như diễn ra cả ngày. Đào tạo ngắt quãng theo kiểu như thế chẳng khác nào ông thầy lang học câu “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng cho uống sâm) và vài năm sau mới biết tiếp rằng “tắc tử” (chết). Chính vì lẽ đó ở các nước phát triển bác sĩ được đào tạo liên tục trong thời gian dài cho đến khi họ đủ khả năng giải quyết vấn đề bệnh tật của bệnh nhân thì mới được hành nghề.
Thật vậy, ở các nước như Pháp, Mỹ hoặc quanh ta như Singapore, Thái Lan, thời gian đào tạo một bác sĩ y khoa khá dài, thường là phải mười năm trở lên. Lấy ví dụ ở Pháp, thời gian đào tạo một bác sĩ chuyên khoa là từ 13-15 năm liên tục được chia làm ba giai đoạn lớn: giai đoạn sáu năm y khoa tổng quát, sau đó các sinh viên này sẽ phải trải qua kỳ thi nội trú các bệnh viện, họ có hai cơ hội trong hai năm để đậu vào nội trú, nếu thi rớt họ sẽ học tiếp hai năm để trở thành bác sĩ gia đình. Những người đậu vào nội trú sẽ chọn chuyên ngành mà mình ưa thích theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Kể từ năm 2005, kỳ thi nội trú Pháp được áp dụng chung cho cả nước không phân biệt vùng. Trong năm năm nội trú trong bệnh viện, các “chú sĩ” sẽ được đào tạo về kiến thức y khoa cũng như được huấn luyện và được hướng dẫn cách thức tiến hành nghiên cứu khoa học, cách lý luận để tự tìm ra những phương pháp điều trị tốt nhất cho các loại bệnh, họ sẽ được phân các đề tài nghiên cứu khoa học và thực hiện chúng dưới sự giám sát của các giáo sư.
Sau khi bảo vệ thành công luận án bác sĩ quốc gia (doctorat d'état) họ thành bác sĩ chuyên khoa, nhưng vẫn chưa được đi làm mà phải trải qua giai đoạn thực hành lâm sàng (chef de clinique assistant) từ 2-4 năm nữa rồi mới có thể thực hành nghề y. Không hề có các danh xưng thạc sĩ hay tiến sĩ (nếu dịch từ docteur là bác sĩ, tức tương đương với tiến sĩ) cũng như chuyên khoa 1 hay 2 về y khoa cho các chuyên ngành lâm sàng.
Dông dài về cách đào tạo y khoa ở xứ người để thấy rằng đào tạo y khoa là một loại hình đặc biệt không giống ai vì ngành y khoa liên quan đến “sản phẩm” rất đặc biệt và nhạy cảm là sức khỏe và sinh mệnh con người. Do vậy bác sĩ phải hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót của mình. Và chỉ có một cách duy nhất là người bác sĩ phải được đào tạo chín muồi rồi mới ra hành nghề. Khi đó không những sai sót được hạn chế mà người bác sĩ có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu với các trang thiết bị y khoa cần thiết mà không phụ thuộc vào những người khác. Bác sĩ Yersin là một minh chứng cho khả năng làm việc độc lập và khả năng tự phát triển đó.
Trở lại Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa 30 năm, việc cần số lượng bác sĩ có lẽ cũng không còn là vấn đề quá bức thiết, có lẽ đã đến lúc Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Y tế cần ngồi lại để xem xét một chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành thực thụ như các nước khác đang làm để hòa nhập tấm bằng y khoa của chúng ta với các nước trên thế giới.

Nguồn: http://tuoitre.vn

3 nhận xét:

  1. gooooooooooooooooodddddddddddddddddddddddd

    Trả lờiXóa
  2. xa hoi vn la the day ban oi

    Trả lờiXóa
  3. bai viet hay qua bai tuy con nhieu khia canh de chung ta quan tam nhung no da the hien duoc mot phan nao thuc trang dao tao doi ngu bac si hien nay La mot nguoi bac si thi chung ta cang phai ngiem khac voi ban than minh hon nua Phai luon trao doi kien thuc de khong bi hut hang kien thuc khi gap mot truong hop benh tat nao do

    Trả lờiXóa